CÁCH ĐỌC THE SECRET DOCTRINE

Cách Đọc The Secret Doctrine

 

Bài có 2 phần, phần I do ông Vicente Hao Chin viết trên The Theosophist, May 1991, p.361
Trong các sách của bà Blavatsky, có lẽ bộ The Secret Doctrine (SD) có ít người đọc nhất, mà đó là bộ luôn luôn có trên bàn làm việc của Albert Einstein trong lúc sinh thời. Tại sao vậy ? Lý do không khó kiếm, giản dị là ý nghĩa của sách khó bắt được hết sau một lần đọc, và có thể sau nhiều lần đọc ta vẫn chưa chắc mình đã hiểu rõ nội dung sách. Với độc giả Việt, đọc sách tiếng Anh là một trở ngại khác, và lại có nhiều từ ngữ tiếng Phạn, Hy Lạp v.v.
Quả có đúng vậy, nhưng cũng có nhiều điểm khác được nói tới. Thí dụ như có ý rằng việc hiểu ý nghĩa lời trong sách diễn ra không phải bằng trí tuệ mà bằng trực giác, ngôn ngữ của SD dường như khiến có điều ấy theo một cách bí ẩn mà hữu hiệu. Bộ SD gợi nên trong tâm ai đọc sách chân thành một mức hiểu biết, vượt khỏi kiến thức gồm dữ kiện và lối suy luận thông thường, như có a thì sẽ có b, hay a + b sẽ thành c.
Hiểu biết có được khi đọc sách không phải chỉ là thấu đáo của trí não. Ngôn ngữ trong sách bắt buộc ta phải suy diễn - không theo cách trí thức - ý nghĩa nằm sau chữ. Điều này tự nó là một diễn trình vô cùng thiết yếu, xẩy ra khi ta học tác phẩm tuyệt vời này, và là điều không thấy có với nhiều sách MTTL khác phổ thông hơn. Ngôn ngữ trong sách lắm lúc khó hiểu, cho cảm tưởng mạnh mẽ là tác giả đang cố gắng truyền đạt một điều chính ra không giải thích được, kinh Phật gọi là ‘không thể nghĩ bàn’ hay bất khả tư nghị; do đó người đọc phải dùng trực giác để suy luận điều không được nói tới hay chỉ được ám chỉ.
Trở lại với.khoa học gia Albert Einstein, tính kỳ lạ  của sách gây ấn tượng cho ông. Và ông thúc giục bạn là giáo sư Heisenberg giữ một bộ SD trên bàn làm việc của ông này. Einstein nói.
– Tôi xin ông mở sách ra đọc khi nào ông rối trí về chuyện chi. Tính kỳ lạ của sách này có thể làm ông được thư thái, hay có thể gợi hứng cho ông.
Thực thế, có một tính chất của bộ SD làm khuấy động hay làm thức tỉnh một phần sâu hơn của tâm thức chúng ta. Ta chỉ có thể nói rằng sách là chuyện lạ, dầu vậy nó là chuyện thực. Ta có thể đọc một đoạn trong sách mà thay vì cho câu trả lời rõ ràng, HPB lại để câu chuyện lững lờ mà đủ khiến trí não phải vận động, không những suy nghĩ ở mặt khoa học, mà quan trọng hơn nữa là khiến ta đi vào cõi trực giác siêu hình.
Với những ai đã học qua bộ SD thì không cần phải nói về tính trừu tượng, khó hiểu của nó. HPB thường khi bàn luận như là một chuyên gia về nhiều ngành học, trích lời người có thẩm quyền từ xưa và nay như thể đang nói chuyện với đồng nghiệp. Chuyện diễn theo cách ấy bất kể bà viết về nghiên cứu kinh thánh, địa chất học, thiên văn học, vật lý, lịch sử tôn giáo, triết học tây phương, hay vô vàn đề tài khác mà bộ SD đề cập tới. Nhưng điều khó khăn thực sẽ tới khi từ các ngành hiểu biết khác nhau, bà hợp lại cho ra biện luận về một ý tưởng chính duy nhất. Trên chỉ một trang sách bà có thể chuyển từ kinh Zohar của Do Thái giáo sang lý thuyết của Leibnitz và Bernoulli, sang sự hiện diện của carbon ở tâm một vẩn thạch và các mùa trên Mộc tinh. Quả là chuyện lạ lùng nếu có ai - dù là người thường hay chuyên nghiệp - có thể theo kịp sự thông thái như vậy.
Thế thì làm sao chúng ta dám bước chân vào cõi uyên áo đó ?
Sau đây là vài gợi ý dựa trên kinh nghiệm của một nhóm học viên đã gặp và tìm cách giải quyết khó khăn này trong nhiều năm.
Hiểu trọn Đại Cương
Đọc bộ SD mà đọc từ trang đầu trở đi thì không phải là cách hay, chỉ nội phần ‘Introduction’ là đủ khiến tâm trí ai không quen suy luận sẽ cao chạy xa bay, làm ta thấy chịu thua, bất lực. Tốt nhất là đầu tiên nên hiểu đại cương của sách nhất là sáu phần của nó.
– Vũ Trụ học
– Nhân Chủng học
Rồi sau đó ta bắt đầu hiểu ra là phần về biểu tượng học và khoa học, thật ra viết là để hỗ trợ và soi sáng cho những câu kinh về Vũ Trụ học và Nhân Chủng học. Chuyện thật sơ đẳng cho ai đã đọc nhiều lần, nhưng với ai mới đọc lần đầu thì việc không nhận thức ra điều này có thể làm nản chí, khiến họ bỏ cuộc và không tiếp tục đọc cho hết bộ sách.
Hiểu Ý Nghĩa của mỗi Chương
Người ta phải đầu tiên có cái nhìn tổng quát về các chương, trước khi tìm cách đọc chúng theo thứ tự. Một học viên là tiến sĩ Corona Trew có viết quyển Studies in the Secret Doctrine, ghi lại những ý chính trong mỗi đoạn trong phần 1, giúp cho học viên đi qua ngõ ngách chằng chịt của những câu kinh mà không lạc lối.
Xác Định các Ý Chính
Mỗi chương của bộ SD chứa đựng vài ý chính. Thường khi, HPB đi ra khỏi ý chính và bàn về một đề tài có vẻ như ngoài mạch, nhưng thực ra là một mặt của ý chính. Nếu không xác định ý chính được bàn thì người đọc dễ rối trí với những câu biện luận, tự hỏi bà thực ra muốn nói chuyện chi.
Đọc Nhẩy và Đọc nhiều lần
Một cách để tránh việc bị lạc khi đọc, là đọc nhẩy hay đọc lướt qua những đoạn đi ra ngoài ý chính - khi mới đọc lần đầu hay lần thứ hai. Rồi quay trở lại những đoạn đọc lướt sau khi đã nắm được ý chính. Khi ấy mục đích của việc có vẻ đi ra ngoài đề sẽ dần dần trở thành rõ hơn. Mỗi chương hay mỗi đoạn sẽ được hiểu rõ nhất bằng cách đọc tới lui vài lần; ít nhất ba hay bốn lần thì người ta mới có thể nói là tương đối hiểu được chương ấy - từ khi đọc lướt cho tới đọc chi tiết.
Đọc Lời Bàn
Tới lần đọc thứ ba hay thứ tư, sau khi đã nắm được dòng tư tưởng của một chương, người ta có thể được lợi nhiều hơn khi dùng lời bàn của nhiều tác giả khác. Điều này đặc biệt hữu ích khi ta phải vật lộn với các ý niệm riêng biệt, các từ ngữ hay diễn tiến mà có thể không được giải thích đầy đủ trong bộ SD trong bất cứ một phần nào. Đôi khi một ý tưởng trong một phần chỉ có thể hiểu được, khi đọc chúng cùng với những lời bàn về nó trong các phần khác của sách. Cuốn The Divine Plan của tác giả Geoffrey Barborka tổng hợp rất khéo léo các ý niệm, từ ngữ và chỉ dạy trong bộ SD một cách gọn gàng và chính xác. Học viên có thể dùng bảng danh mục – index; với mục này người ta có thể tìm được các giải thích rõ ràng cho hầu hết những ý niệm lớn mà ta gặp trong bộ SD.
Học Nhóm
Ai có thể tự mình học và hiểu bộ sách này thì đó là người may mắn. Đa số chúng ta không được vậy, thế nên có lời khuyên mạnh mẽ là ai nhiệt tâm học hỏi bộ SD nên tụ lại với nhau, làm thành nhóm học đều đặn. Đề tài có thể phân chia cho các nhóm viên để trình bầy, sau đó là phần thảo luận về những điểm khó. Khi giao cho mỗi người trình bầy thì có rủi ro là vài học viên có thể thấy bộ SD quá khó hiểu, nên có thể dùng nguồn thứ cấp như là căn bản cho sự trình bầy của họ, và do vậy vô tình đưa bạn đồng học đi sai đường, vì họ không đọc chương này và tin rằng điều gì người bạn đưa ra là thực sự có trong sách.
Tốt nhất thì người ta nên nhìn nhận là không có đủ hiểu biết, và để nhóm có nỗ lực chung cùng học chương đó, nhưng ít ai trong chúng ta có đủ khiêm tốn để nhận như vậy. Ta phải ý thức là dùng nguồn thứ cấp thì đôi khi có thể làm sai nghĩa trầm trọng nếu ta không hiểu nguyên văn, ít nhất là phần đại cương. Lấy thí dụ có người tương đối biết nhiều về Theosophy, được chỉ định thảo luận đoạn có tựa đề ‘Tree, Serpent, and Crocodile Worship’ (Vol. I, Section X). Họ thấy chương này không hiểu nổi, họ cho rằng cái cây muốn nói tới xương sống, con rắn là về kundalini. Thế nên họ làm một bài viết dài công phu về bẩy huyệt đạo và luồng hỏa xà. Nếu HPB biết chuyện này chắc bà không biết nên cười hay nên giận.
Báo Triết Lý Bí Truyền
Việc hằng ngàn người đi tìm đạo học bộ SD là chuyện luôn tiếp tục trên khắp thế giới. Nhiều người có thể không hưởng lợi ích là thuộc về một nhóm học bộ SD; nhiều người khác có thể muốn học thêm và thảo luận về các đề tài chuyên biệt trong bộ SD. Thế nên chuyện có giá trị vô kể nếu các học viên như vậy chia sẻ nhận xét của mỗi người với nhau, qua một tờ báo đều đặn chuyên về các bài viết của HPB và các Chân Sư. Một tờ báo như vậy nên nói về cả những đề tài sơ cấp có tính giới thiệu và những đề tài cho lớp cao, cũng như là in lại các bài hữu ích - mà nay không có được - cho đa số học viên.
Với những nỗ lực như trên, ta hy vọng là nhóm học viên nhiệt tâm với bộ SD sẽ mở rộng khắp thế giới, làm cho ta tiến lại gần hơn mục tiêu khiến sách ra đời. Bộ SD không phải chỉ nhắm cho vài học viên kỳ cựu về Theosophy tìm hiểu, mà nhắm khơi dậy trong trí khối đông người trong công chúng, khả năng lãnh hội vài chân lý và nguyên lý mà từ lâu bị chôn vùi dưới những tín điều bên ngoài. Sự hiểu biết trên toàn cầu về chỉ dạy như vậy sẽ mang lại một chặng đường mới, cho việc phát triển và trưởng thành của nhân loại.
Khi làm phần riêng của ta trong việc khuyến khích sự học hỏi tác phẩm vĩ đại này, là ta bầy tỏ lòng biết ơn chân thành tới nhân vật cao cả đã thi ân cho nhân loại, là H.P. Blavatsky.

Phần II dưới đây là bài của một học viên khác, viết cách bài trên đúng 100 năm, nhưng cũng về việc học bộ SD.
Giới Thiệu
Bà Blavatsky đưa ra các chỉ dẫn này vào cuối đời mình và được Robert Bowen ghi lại. Ông là sĩ quan hải quân về hưu, gia nhập nhóm người quanh bà khi ấy và hay hỏi bà về thái độ học viên nên có đối với bộ S.D. Ông ghi chú cẩn thận những câu trả lời của bà cho mình và sau đó đọc lại cho bà nghe, để chắc chắn là ông không hiểu lầm ý bà. Sau đó con ông là đại úy P.G.B. Owen là hội viên tại Dublin, Ireland, cho in trong báo Theosophy in Ireland lần đầu tiên, số January - March năm 1932.
Tài liệu này được trưng ra lắm lần và trên nhiều ấn phẩm khác nhau từ đó tới nay, dầu vậy khi tìm chi tiết về hai nhân vật Robert Bowen và P.G.B. Owen, thì kết quả không có nhiều cũng như không xác định nên có ý khác tỏ ra dè dặt về xuất xứ và mức đáng tin của bài.
Một lời khuyên nhắc lại nhiều lần trong bài ghi là để hiểu trọn vẹn bất cứ chỉ dạy MTTL nào, ta phải đặt nó vào bối cảnh vũ trụ. Để giúp cho việc này, bà Blavatsky đề nghị mạnh mẽ là học viên nên có ý thức sâu xa ba định đề căn bản trong lời nói đầu của bộ S.D. Tóm tắt các định đề này nằm ở bài Việc Làm của HPB cũng đăng trong số này (84)

Bộ The Secret Doctrine (SD) và Cách Học
HPB đặc biệt quan tâm đến bộ SD hồi tuần trước. Tôi phải ráng sắp xếp các ghi chú lại và viết ra giấy để lưu kỹ lại trong lúc trí tôi còn nhớ kỹ, vì như bà nói, nó có thể có ích cho người khác ba mươi hay bốn mươi năm về sau.
Đầu tiên hết, bộ S.D. chỉ là một phần nhỏ của Triết Lý Bí Truyền mà các thành viên cao cấp của Thiên Đoàn rành rẽ. Bà nói nó chứa nhiều tới mức mà thế giới vào thế kỷ sau có thể nhận được, chữ ‘thế giới’ muốn nói con người phàm ngã. ‘Thế giới’ hay người trần sẽ thấy trong bộ hai cuốn SD tất cả những gì mà trí của họ có thể nắm bắt, mà không nhiều hơn nữa.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là ai vượt hơn cách suy nghĩ phàm trần thì không thể tìm thấy trong sách nhiều điều hơn người phàm tìm được. Mỗi hình thể, bất kể thô kệch ra sao, có chứa hình ảnh của người ‘sáng tạo’ ra nó che dấu bên trong đó. Cũng y vậy thì tác phẩm của một tác giả, cho dù tối nghĩa ra sao, chứa đựng hình ảnh được che dấu về sự hiểu biết của người viết.  Từ câu nói này, tôi cho rằng bộ S.D. phải chứa đựng tất cả những gì HPB chính mình biết và còn nhiều hơn thế, vì nhiều chuyện trong sách là từ những Vị mà kiến thức còn rộng mênh mang hơn bà.
Lại nữa, bà hàm ý không nhầm lẫn được là người ta có thể tìm thấy hiểu biết trong sách mà bà không có. Tư tưởng rằng tôi có thể tìm thấy trong lời bà hiểu biết mà chính bà không biết thì thật là kích động; bà nói nhiều về chuyện này và sau đó X nói:
– HPB hẳn phải nghĩ sai rồi.
Tôi đoán X muốn nói bà không còn tin vào sự hiểu biết của mình, nhưng hai người khác và luôn cả tôi hiểu ý bà đúng hơn, tôi nghĩ vậy. Không nghi ngờ gì là bà nói với chúng tôi rằng đừng khư khư xem bà như người có thẩm quyền sau cùng, hay xem bất cứ ai khác như vậy, mà chỉ hoàn toàn dựa vào cảm nhận ngày càng được khơi rộng của mình.
Nghĩ vậy mà đúng. Tôi hỏi thẳng bà như trên và bà gật đầu mỉm cười. Được bà mỉm cười chấp thuận thì thật đáng công ! Sau rốt chúng tôi xin được bà chỉ dẫn cách đúng đắn khi học bộ S.D. Xin ghi ra đây khi trong trí còn nhớ rõ.
Bà nói đọc bộ S.D. từng trang một như đọc các sách nào khác chỉ làm ta rối trí.
– Chuyện đầu tiên phải làm - cho dù phải mất nhiều năm - là nắm vững phần nào ‘Three Fundamental Principles - Ba Nguyên Lý Căn Bản’ đưa ra trong lời mở đầu.
– Kế đó là học Recapitulation - các phần đánh số trong Summing Up Phần I, quyển I, rồi Preliminary Notes quyển II và Conclusion quyển II.
HPB xem ra rất khẳng định về sự quan trọng của chỉ dạy (trong phần Conclusion) liên quan tới thời điểm của việc xuất hiện các mẫu chủng và chi chủng. Bà nói rõ ràng hơn bình thường, là thực ra không có ’sự xuất hiện’ trong tương lai của các giống dân, bà nói:
– Không có việc Sẽ đến hay Đã qua, mà có sự Trở thành hoài hoài.
Mẫu chủng thứ tư vẫn còn hiện diện, và các mẫu chủng thứ ba, thứ hai và thứ nhất cũng vậy - nghĩa là sự thể hiện của chúng trên cõi hiện tại của chúng ta vẫn còn đó.
Tôi hiểu ý bà, tôi nghĩ, nhưng tôi không đủ khả năng để viết thành lời. Giống như thế, chi chủng thứ sáu (của mẫu chủng thứ năm) và mẫu chủng thứ sáu, thứ bẩy, và ngay cả người thuộc các vòng (Rounds) tiến hóa sắp tới, đều có ở đây. Nói cho cùng thì điều ấy dễ hiểu. Các đạo sư không thể chỉ là người thuộc chi chủng thứ năm thông thường (của mẫu chủng thứ năm), vì giống dân ở trong cảnh tiến hóa luôn.
Nhưng bà không để ta thắc mắc mà bảo rằng nói chung thì chỉ với chi chủng thứ sáu, phải mấy trăm năm nữa (trong không gian và thời gian)  nhân loại mới có. Tôi nghĩ HPB tỏ sự lo ngại lạ lùng khi nhấn mạnh tới điều này. Bà ám chỉ có ‘nguy hiểm và mê muội’ với ý rằng giống dân mới đã thực sự có mặt trên thế giới. Theo bà, khoảng hiện diện của một chi chủng trong nhân loại nói chung, thì trùng với một quỹ đạo của địa cầu trong không gian hay năm theo thiên văn - sidereal year, là vào chừng 25.000 năm. Như vậy thì giống dân mới còn xa lắm.
Ba tuần qua chúng tôi có buổi họp rất đáng nói về chuyện học bộ S.D. Tôi phải soạn lại bài ghi của mình và chép kết quả xuống cho an toàn trước khi bị mất chúng.
Bà nói nhiều hơn nữa về The Fundamental Principle như sau:
– Nếu ai tưởng tượng là họ sẽ có hình ảnh thỏa đáng về cấu tạo của vũ trụ nhờ đọc bộ S.D., thì họ chỉ bị hoang mang khi học nó. Sách không nhằm cho ý rốt ráo về sự hiện hữu, mà nhằm Dẫn tới Chân lý.
Bà nhắc lại câu chót nhiều lần. Bà nói đi hỏi những người mà chúng tôi tưởng là đã học nhiều và xin họ cho lời ‘diễn giải’, thì chỉ càng vô ích. Họ không làm được. Nếu ráng làm thì tất cả những gì họ cho được là lời bàn theo nhãn pháp, như là chuyện đã rồi vậy, không giống chút nào với Chân lý. Chấp nhận lời diễn giải như vậy có nghĩa chúng ta trụ vào ý cố định, trong khi đó Chân lý nằm ngoài hẳn mọi ý tưởng nào chúng ta có thể nghĩ ra hay biểu lộ.
Lời bàn theo nhãn pháp thì chẳng sao cả, và bà không có gì than phiền bao lâu mà chúng được xem như là dấu chỉ đường cho người mới bắt đầu học, và không là gì hơn thế. Nhiều người trong hội, hay những người về sau vào hội, lẽ tự nhiên có thể không có khả năng tiến xa hơn việc có ý niệm thường thấy là nhãn pháp. Nhưng có và sẽ có nhiều người khác, và bà nói những điều sau cho họ về cách đúng đắn khi học bộ S.D. Bà nói.
– Hãy đến với bộ S.D. mà đừng có hy vọng nào là có được từ trong sách, Chân Lý sau cùng về sự hiện hữu, hay có ý nào khác hơn là xem sách có thể dẫn họ xa đến đâu Tới Chân Lý. Hãy xem việc học sách như là phương tiện để luyện và phát triển cái trí chưa hề học điều gì khác. Hãy tuân theo những luật sau:
Bất kể bạn học phần nào trong bộ S.D., hãy để tâm trí giữ sát theo các ý tưởng dưới đây như là căn bản cho sự suy nghĩ của nó:
●Sự Hợp Nhất Căn Bản của Mọi Hiện Hữu.
Sự hợp nhất này là điều hoàn toàn khác hẳn với ý thường có về nó - như khi ta nói là một nước hay một quân đội đoàn kết; hay hành tinh này kết hợp với hành tinh khác bằng những đường từ lực, hay chuyện tương tự. Chỉ dạy đưa ra không phải là như thế, mà sự hiện hữu là Một Điều - One Thing, không phải là một tập hợp nhiều điều liên kết với nhau.
Căn bản mà nói thì có Một Thực Thể - One Being; Thực Thể có hai tính chất là dương và âm - tích cực và thụ động. Phần dương là Tinh thần hay Tâm thức, phần âm là Vật chất, là đề tài cho tâm thức. Cái Thực thể này khi biểu lộ đầu tiên là sự Tuyệt đối; bởi nó tuyệt đối nên không có gì ngoài nó. Nó là Trọn Thực thể - All Being, bất khả phân chia, bằng không nó chẳng còn là tuyệt đối.
Nếu một phần có thể được tách rời thì phần còn lại không thể được xem là tuyệt đối, vì lập tức sẽ nẩy lên câu hỏi về so sánh giữa nó và phần tách lìa. So sánh không thể đi chung với bất cứ ý nào về tính tuyệt đối. Thế nên rõ ràng là Sự Hiện hữu Duy nhất căn bản này, hay cái Thực thể Tuyệt đối, phải là Thực tại của mỗi hình thể có được.
Tôi nói tuy điều này rõ ràng với mình, tôi không nghĩ là nhiều người khác trong chi bộ nắm được ý ấy. Bà bảo:
– Theosophy là cho ai có thể suy nghĩ, hay ai có thể thúc đẩy mình suy luận, không phải là người ù lì.
Gần đây HPB đầm tính lại nhiều lắm. Khi trước bà hay dùng chữ ‘dốt đặc’ cho học viên trung bình.
HPB bảo hạt Nguyên tử, Con người, Thượng Đế nói cho sát thì mỗi cái riêng rẽ, cũng như nói chung khi kết hợp lại, là Thực thể Tuyệt đối, cái là Cá thể Thực - Real Individuality của chúng. Ý tưởng này phải được luôn luôn giữ trong trí để tạo thành nền tảng cho mỗi ý niệm sinh ra khi học bộ S.D. Vừa khi người ta quên nó (và chuyện dễ xẩy ra nhất khi mải mê theo dõi nhiều mặt phức tạp của triết lý bí truyền), thì ý về sự chia rẽ chen vào và việc học bị mất giá trị.
● Ý thứ hai giữ kỹ trong trí là Không có Vật chất Chết. Mỗi một hạt nguyên tử đều sinh động. Chuyện không thể khác hơn vì mỗi nguyên tử trên căn bản tự nó là Thực thể Tuyệt đối; dù ở cõi nào tự nó là một sự sống.
● Ý căn bản thứ ba cần nhớ là Con người là Tiểu Vũ trụ. Bởi ta là vậy nên mọi đẳng cấp của các tầng trời hiện hữu bên trong ta. Nhưng sự thực là không có đại hay tiểu vũ trụ mà chỉ có một sự hiện hữu. Có việc to hay nhỏ chỉ là do cái nhìn của một tâm thức hạn hẹp.
● Ý thứ tư và ý chót cần nhớ là ý biểu lộ trong kinh xưa ghi dưới dây. Nó thực sự tóm gọn và tổng hợp mọi chỉ dạy khác:
– Trong sao, Ngoài vậy,
– Lớn sao, Nhỏ vậy,
– Trên sao, Dưới vậy,
– Chỉ có Một Sự Sống và Một Luật,
– Và ai làm theo vậy là Một.
– Không có Trong, không có Ngoài;
– Không có Lớn, không có Nhỏ,
– Không có Cao, không có Thấp trong sinh hoạt thiêng liêng.
Bất kể học được điều chi từ bộ S.D., ta phải liên kết nó với các ý căn bản này.
Tôi thưa rằng đây là một bài tập về trí tuệ mà sẽ làm rất mệt óc. HPB cười và gật đầu. Bà nói.
– Nguời ta đừng khờ dại làm mình điên đầu khi đọc quá nhiều lúc mới khởi sự. Não bộ là phương tiện của tâm thức tỉnh táo, và mỗi hình ảnh được tạo có ý thức trong trí có nghĩa có sự thay đổi và hủy hoại của các nguyên tử trong não. Hoạt động trí tuệ bình thường đi theo lối mòn đã quen trong não, và không thúc đẩy có điều chỉnh và sự phá hủy đột ngột chất liệu của nó. Nhưng loại nỗ lực trí tuệ mới này có tính khác hẳn - là tạo ra ‘đường mới trong não’, xếp hạng những sự sống nhỏ bé trong não theo thứ tự khác. Nếu đẩy mạnh không dè dặt nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng mặt vật chất cho não.
Bà dạy tiếp.
– Loại suy nghĩ này là cách mà người Ấn gọi là Jnana Yoga - Yoga Trí huệ. Khi tiến bước theo Yoga này, ta sẽ gặp những ý niệm mà dù biết nó, ta không thể biểu lộ hay tạo thành một hình ảnh trí tuệ nào. Dần dần theo với thời gian các ý niệm đó sẽ tạo thành hình trong trí. Đây là lúc phải coi chừng và không để cho mình bị mê muội, với ý nghĩ rằng hình mới thấy và tuyệt vời này phải là tượng trưng cho thực tại. Nó không phải vậy. Khi học tiếp, ta sẽ thấy hình khi xưa ta mê say trở thành mờ nhạt không còn cho mãn nguyện nữa, và sau chót tàn đi hay bị thải ra.
Đây là một điểm nguy hiểm khác, vì trong một lúc ta ở trong khoảng trống không có ý niệm nào hỗ trợ, và ta có thể muốn lấy lại hình đã loại bỏ vì không có gì khá hơn để bám vào. Tuy nhiên học viên chân thực sẽ tiếp tục học mà không màng, và rồi có thêm nhiều lóe sáng mới vô hình đến, và lại theo ngày tháng cho ra hình to hơn, đẹp hơn cái trước. Nhưng học viên nay sẽ hiểu là không hình nào có thể tượng trưng cho Chân Lý.
Hình tuyệt vời sau chót này sẽ trở thành mờ nhạt và tàn đi như các hình khác. Và diễn trình như vậy tiếp tục cho tới khi sau cùng ta vượt qua cái trí và những hình của nó, đi vào rồi ngụ trong cõi vô sắc tướng, cõi mà mọi hình thể là phản ảnh nhỏ hẹp.
Học viên thực của bộ S.D. là người đi theo Yoga Trí huệ - Jnana Yoga, và con đường này là con đường chân thật cho học viên tây phương. Chính vì để cho họ những mốc điểm trên đường ấy mà bộ S.D. được viết ra.
(Về sau, tôi đọc lại đoạn nói về những chỉ dạy của bà cho HPB nghe, hỏi tôi ghi vậy có đúng chăng. Bà gọi tôi là người óc đặc ngớ ngẩn, tưởng là có chuyện có thể ghi lại đầy đủ bằng lời, nhưng bà mỉm cười và lại gật đầu, nói rằng tôi đã ghi lại hay hơn ai khác đã làm và hay hơn là bà có thể làm.)
Tôi tự hỏi sao mình lại làm những chuyện này. Nó phải được truyền lại cho thế giới, nhưng tôi quá già để làm được vậy. So với HPB tôi thấy mình chỉ như là đứa trẻ, dù tính theo năm tháng thì thực ra tôi hơn bà đến hai mươi tuổi.
Bà đã thay đổi nhiều kể từ khi tôi gặp bà hai năm trước. Bà đối phó thật tuyệt vời với bệnh nặng của mình. Với ai không biết gì và không tin chuyện gì, HPB sẽ làm họ tưởng là bà kiệt quệ về cả tâm thần và thể xác. Tôi nghĩ, nhất là trong những buổi họp chót gần đây từ khi thân thể bà quá yếu, là chúng tôi nhận được chỉ dạy từ một cõi khác và cao hơn. Làm như chúng tôi cảm biết và Hiểu điều bà nói, hơn là nghe nó với tai phàm. Tối qua X cũng nói y vậy.

Robert Bowen
19 tháng Tư, 1891